KẾ HOẠCH Quản lý và tổ chức Lễ hội trên địa bàn thị trấn Hương Sơn năm 2025
2025-01-10 15:41:00.0
|
KẾ HOẠCH
Quản lý và tổ chức Lễ hội trên địa bàn thị trấn Hương Sơn năm 2025
![]() |
Căn cứ Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Để đảm bảo các hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện năm 2025 diễn ra an toàn, thiết thực, đúng quy định,
Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2025 của UBND huyện Phú Bình về Quản lý và tổ chức Lễ hội trên địa bàn huyện Phú Bình năm 2025, UBND thị trấn xây dựng Kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thị trấn Hương Sơn năm 2025 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thông qua các hoạt động lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, người có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống; bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
- Tổ chức Lễ hội là một trong những hoạt động “Mừng Đảng - Mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025” nhằm tạo không khí đón xuân mới vui tươi, phấn khởi, qua đó cổ vũ các phong trào thi đua, yêu nước, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 đề ra.
- Tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống địa phương; duy trì và phục vụ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của các tầng lớp nhân dân; đồng thời tạo điều kiện giao lưu văn hoá giữa nhân dân địa phương và thu hút du khách thập phương đến tham dự.
2. Yêu cầu
- Quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn.
- Việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hiện tượng mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ gây mất an ninh trật tự và đoàn kết cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phải phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
- Tăng cường công tác vận động nhân dân tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến nhận thức của người tham gia lễ hội; có ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và công tác vệ sinh môi trường,
II. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
1. Thời gian:
Các lễ hội trên địa bàn thị trấn Hương Sơn bắt đầu từ ngày, mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 10 tháng 10 năm Ất Tỵ 2025. Cụ thể:
- Lễ hội truyền thống Làng đình Cả tổ chức vào ngày mùng 6, 7 tháng Giêng.
- Lễ hội truyền thồng Đình Chùa làng Nguyễn, ngày mùng 8, 9 tháng Giêng.
- Lễ hội truyền thồng Đình Chùa Hòa Bình ngày mùng 9, 10 tháng Giêng.
- Lễ hội truyền thồng Đình Chùa La Sơn ngày mùng 8,9, 10 tháng Giêng.
- Lễ hội truyền thống Đình Chùa làng úc Sơn ngày 14,15 tháng Giêng.
2. Địa điểm: Tổ chức tại các di tích trên.
III. NỘI DUNG
1. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp. Huy động sự vào cuộc của chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức và quản lý lễ hội ở địa phương.
- Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; không tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, không tổ chức những lễ hội có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.
- Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng tiền công đức đúng mục đích, công khai, minh bạch.
- UBND thị trấn thành lập, kiện toàn các Ban quản lý, Ban Tổ chức lễ hội để chỉ đạo, tổ chức, quản lý, điều hành lễ hội theo quy định.
- Thường trực BQL các di tích đăng ký các hoạt động năm 2025 theo quy định.
2. Công tác tuyên truyền
- Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Gắn việc tuyên truyền các lễ hội tiêu biểu với giới thiệu, quảng bá tiềm năng di sản văn hóa, làng nghề, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện với du khách.
- Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương và du khách tới dự lễ hội nghiêm chỉnh chấp những quy định của Ban tổ chức lễ hội. Thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã. Đối với lễ hội gắn với các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử tiêu biểu cần bố trí người giới thiệu hoặc biển chỉ dẫn sơ đồ, nội dung trong khuôn viên, bảng giới thiệu tóm tắt lịch sử, giá trị kiến trúc văn hóa, nghệ thuật của di tích; khuyến khích giới thiệu bằng hình thức quyét mã QR code.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các hoạt động lễ hội trên hệ thống thông tin truyền thông của huyện và cơ sở, đài truyền thanh, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, zalo, facebook...
3. Công tác quản lý
- Đối với UBND thị trấn:
+ Xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức và quản lý lễ hội tại địa phương, báo cáo UBND huyện (qua Phòng Văn hóa và Thông tin). Quản lý tốt các hoạt động, dịch vụ trong dịp lễ hội. Đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, công tác phòng, chống cháy nổ, …
+ Thực hiện quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn; bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định tại Thông tư 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính quy định về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức Lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và các hoạt động lễ hội.
+ Tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành các văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
+ Khuyến khích tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa truyền thống, thể dục thể thao.
- Đối với thường trực BQL các di tích:
+ Phối hợp với UBND thị trấn thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý di tích và lễ hội.
+ Triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường thường xuyên tại di tích, đặc biệt là trước, trong và sau lễ hội.
+ Phân công người tiếp nhận tiền công đức, tiền tài trợ bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định tại Thông tư 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính quy định về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức Lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và các hoạt động lễ hội.
+ Tổ chức thực hiện, duy trì và phát huy các nghi thức tế lễ truyền thống tại các di tích, nhất là ở các di tích đã được xếp hạng.
4. Công tác tổ chức
- Tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa của lễ hội bằng nhiều hình thức; thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội. Hướng dẫn các chủ dịch vụ kinh doanh có thái độ ứng xử văn minh, tuân thủ các quy định của Ban Tổ chức; thực hiện các quy định về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tổ chức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết an toàn thực phẩm, công khai giá các mặt hàng.
- Ban Tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm các quy định sau:
+ Tổ chức lễ hội phải trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, không lợi dụng lễ hội để trục lợi.
+ Trong khu vực tổ chức lễ hội phải treo cờ Tổ quốc ở nơi trang trọng, cao hơn cờ hội.
+ Nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan: bói toán, xóc thẻ; tàng trữ, buôn bán và sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành.
+ Có quy hoạch địa điểm dành cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ nhu cầu người dân tham gia lễ hội.
+ Không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định tại lễ hội.
+ Nghiêm cấm tổ chức các trò chơi đánh bạc dưới mọi hình thức.
+ Việc tổ chức những trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao... trong khu vực lễ hội phải có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội.
+ Thực hiện thu phí trông giữ xe theo quy định hiện hành.
+ Tổ chức tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; kiểm tra, rà soát các loại thực phẩm, hàng ăn uống được bán tại nơi diễn ra lễ hội, đảm bảo không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thức ăn, bùng phát dịch bệnh.
+ Xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy đối với lễ hội.
5. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm
- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý các hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh như: Lưu hành ấn phẩm, văn hóa trái phép không phù hợp với thuần phong mỹ tục; tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ điện tử dùng loa công suất lớn;
- Kiểm tra các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ...xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. UBND thị trấn Hương Sơn.
- Chỉ đạo tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội.
- Xây dựng kế hoạch các hoạt động diễn ra tại lễ hội trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường, báo cáo UBND huyện (qua Phòng Văn hóa và Thông tin) trước khi tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày.
- Chỉ đạo các Ban quản lý di tích rà soát cơ sở vật chất tại di tích phục vụ tổ chức Lễ hội đối với các lễ hội gắn với di tích. Đối với việc xây dựng, sửa chữa các hạng mục thuộc khu di tích báo cáo trên theo quy định.
- Tổ chức thực hiện, quản lý chặt chẽ thủ tục tiếp nhận hồ sơ đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội trên địa bàn theo quy định.
- Chỉ đạo, tổ chức tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-2023 ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính.
- Xây dựng báo cáo kết quả công tác tổ chức, quản lý lễ hội qua Phòng Văn hóa và Thông tin để tổng hợp báo cáo UBND huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.
2. Ban chỉ đạo các hoạt động văn hóa thể thao thị trấn.
- Là cơ quan thường trực quản lý và tổ chức lễ hội: chủ trì, phối hợp với các ngành đoàn thể liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; đôn đốc, nhắc nhở, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là các hành vi: lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí; trái với thuần phong mỹ tục của địa phương.
- Tham mưu UBND xây dựng kế hoạch tổ chức các lễ hội trên địa bàn.
- Kiểm tra công tác tổ chức, quản lý lễ hội, đặc biệt là các lễ hội có quy mô lớn.
- Phối hợp với ngành chuyên môn cấp trên hướng dẫn, quản lý các chức sắc tôn giáo, tổ chức các nghi lễ tôn giáo theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra tại khu di tích; phối hợp với Công an xã và các cơ quan liên quan kịp thời tham mưu giải quyết các vụ việc liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật (nếu có).
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động trước, trong và sau lễ hội, đăng tải trên Trang thông tin điện tử và các nền tảng xã hội; trên hệ thống truyền thanh để tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân.
- Định kỳ tổng hợp và báo cáo trên theo quy định.
3. Công an thị trấn.
- Xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ tại các lễ hội, các di tích trên địa bàn.
- Tham mưu UBND thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý các âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; các hành vi xâm hại, trộm cắp, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép cổ vật, hiện vật, tài sản thuộc di tích.
4. Ban Chỉ huy Quân sự thị trấn.
Chủ động phối hợp với Công an thị trấn và các ngành chức năng đảm bảo công tác tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các điểm diễn ra hoạt động lễ hội.
5. Trạm Y tế thị trấn.
Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ các mặt hàng ăn, uống tại các khu di tích, các lễ hội; tham mưu xử lý theo thẩm quyền.
6. Đề nghị MTTQ và ngành đoàn thể thị trấn.
Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội trên địa bàn để quảng bá, thu hút du khách đến tham dự các lễ hội.
Trên đây là Kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thị trấn Hương Sơn năm 2025, đề nghị các ngành, BQL các di tích nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: - Phòng VH - TT; - Chủ tịch, các PCT UBND TT; - UBMTTQ, các đoàn thể; - Trạm Y tế; - Các TDP, TT BQL các di tích; - Công an TT, BCH quân sự TT; - Lưu: VT, VHTT. |
KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Dương Viết Tùng |