Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào “Bình dân học vụ” và những bài học kinh nghiệm quý
2025-05-19 09:14:00.0
PGS.TS Đỗ Hồng Thái, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên 07:58, 19/05/2025
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách. “Giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm” đang uy hiếp sự tồn vong của một chính quyền cách mạng non trẻ. Vì vậy, diệt “giặc dốt” - “đồng minh của giặc ngoại xâm” là một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc này.
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa trên địa bàn tỉnh được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc. Ảnh: Thu Hà |
Ngày 3/9/1945, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà họp phiên đầu tiên đã chỉ ra 6 vấn đề cấp bách trong đó có “nạn dốt”. Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị, mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Triển khai chỉ thị đó, ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ban hành 3 sắc lệnh quan trọng. Sắc lệnh số 17/SL thành lập Nha Bình dân học vụ, cơ quan chuyên trách về việc chống nạn mù chữ; Sắc lệnh số 19/SL quy định việc thiết lập các lớp học bình dân và Sắc lệnh số 20/SL, quy định bắt buộc học chữ quốc ngữ không mất tiền.
Ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chống nạn thất học”, Người nhấn mạnh trách nhiệm của một công dân nước Việt Nam phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Biện pháp dạy học được Người chỉ ra rất cụ thể: “Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền chủ hàm mỏ, nhà máy thì mở lớp cho những tá điền, những người làm của mình”.
Phong trào “Bình dân học vụ” lan tỏa nhanh chóng khắp cả nước. Không phân biệt tuổi tác, tầng lớp hay trình độ, người dân nô nức tham gia học chữ quốc ngữ. Những lớp học ban đêm mọc lên ở khắp các làng quê, từ nhà dân đến sân đình, bãi chợ. Những “giáo viên không lương” là bộ đội, công chức, học sinh, trí thức… tự nguyện đi dạy chữ ở các vùng khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao sự cống hiến, hy sinh của đội ngũ giáo viên làm nhiệm vụ “xoá mù chữ”. Người ghi nhận và động viên: Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em.
Để tiếp tục mở rộng phong trào “ Bình dân học vụ” tới vùng sâu, vùng xa và vùng núi, ngày 20/6/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 110/SL mở lớp huấn luyện cán bộ bình dân học vụ cho các đại biểu dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, sâu sát các hoạt động bình dân học vụ, nhất là ở những nơi có hoàn cảnh khó khăn. Người đặc biệt chú ý những đối tượng yếu thế trong xã hội nhất là các cụ già, phụ nữ và trẻ em.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo thực hành xây dựng, thiết kế website. Ảnh: Thu Nga |
Từ tháng 11-1945, khóa học bình dân học vụ đầu tiên được tổ chức và kéo dài trong 3 tháng. Các khóa học tiếp theo được tiến hành đến ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Những khẩu hiệu “Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”, “Thêm một người đi học là thêm một viên gạch xây nền độc lập của nước nhà”, “Đi học là yêu nước”... đã nhanh chóng thấm sâu vào nhận thức và hành động của mọi người dân, khơi dậy ý chí tự cường và lòng tự tôn dân tộc.
Trong vòng 1 năm chúng ta đã mở được 75.805 lớp học, 97.664 người tham gia dạy học, 2.5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Đến năm 1952 cả nước có khoảng 14 triệu người thoát khỏi nạn mù chữ. |
Phong trào “Bình dân học vụ” thành công bởi có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt cùng với sự động viên, khích lệ kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Chính phủ. Đây là bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị trong chỉ đạo phong trào “Bình dân học vụ số” hiện nay. Ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Để cụ thể hoá chủ trương đó, ngày 26/3/2025 Chính phủ đã chính thức phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”.
Kế hoạch thực hiện “Bình dân học vụ số” đang nhanh chóng triển khai rộng khắp từ Trung ương đến các địa phương. Đây là sự tiếp nối bài học lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ đối với nhiệm vụ trọng đại đưa đất nước bước vào kỉ nguyên số. Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số ” là một bước chuyển lớn, bước tiến xa của xã hội Việt Nam trên tinh thần làm chủ tri thức để bảo vệ và dựng xây đất nước mạnh giàu. Nếu “con chữ” của “Bình dân học vụ” từng tạo ra sức mạnh của niềm tin và ý chí tự cường để giữ vững nền độc lập thì “số hoá” của phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ tạo ra sức mạnh công nghệ từ tiềm lực trí tuệ của đất nước trong thời kì cách mạng 4.0.
Cả “Bình dân học vụ” và “Bình dân học vụ số” đều dựa vào tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng, sự tình nguyện góp sức của mỗi người dân. Nếu “Bình dân học vụ” “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” thì “Bình dân học AI” lấy sóng wi-fi bao trùm để kết nối hoạt động, chia sẻ thông tin, rèn luyện các kĩ năng tự học. Phong trào ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi tham gia. Các nền tảng công nghệ hiện nay tạo ra những cơ hội thuận lợi giúp mọi người có thể tự học, học theo nhóm ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh điều kiện khác nhau. Từ bài học kinh nghiệm của “Bình dân học vụ”, chúng ta tin tưởng rằng “Bình dân học vụ số” sẽ thành công ở một xã hội học tập đang đang trỗi dậy tinh thần tự học suốt đời vì một Việt Nam giàu đẹp.
Nguồn: Báo Thái Nguyên